Heo là một vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình chăn nuôi. Để đàn heo sinh trưởng và phát triển ổn định, bạn cần phải nắm rõ các kỹ thuật nuôi heo nái, heo con và heo thịt. Trong bài viết hôm nay, Bông Sen Vàng Group xin chia sẻ một số kiến thức quan trọng liên quan đến kỹ thuật này.
Mục lục bài viết
Kỹ thuật nuôi heo nái và heo con
Chuồng trại
Ở nơi cao ráo, sạch sẽ, nên xây theo hướng Đông – Tây để hạn chế bức xạ của mặt trời.
Nền chuồng làm bằng xi măng, độ dốc khoảng 2%, diện tích chuồng heo nái nuôi con khoảng 5 – 6m2/con, có ô úm cho heo con từ 0,8 – 1m2/ô.
Chọn heo giống
Heo nái
Chọn heo giống Yorkshire hoặc lai giữa Yorkshire với Landrace. Để phối giống thì heo phải từ 7 – 8 tháng tuổi và có trọng lượng 90 – 100kg.
Nên chọn heo nái có ít nhất 12 vú trở lên, vú thẳng và đều, tính hiền, thân dài, mông vai nở, háng rộng,…
Heo nọc
Da trơn nhẵn nhưng không quá bóng, phụ dịch hoàn nổi rõ, bao quy đầu to, không tịt.
Các giai đoạn chăm sóc heo
Kỹ thuật nuôi heo được áp dụng xuyên suốt qua các giai đoạn sau:
Lên giống và phối giống
Heo lên giống ít ăn hoặc bỏ ăn, cắn phá chuồng và kêu réo liên tục.
Thời gian heo lên giống từ 3 – 5 ngày, phối vào lúc heo chịu đực (heo đứng im cho con khác nhảy lên hoặc khi ấn tay lên lưng heo vẫn đứng im, dịch nhờn âm hộ đặc lại). Phối giống bằng cách trực tiếp hoặc nhân tạo, nên phối kép (cách nhau từ 6 – 8 giờ).
Chuồng heo phối phải sạch sẽ, có rơm và cỏ khô dưới nền.
Heo nái mang thai
Sau 18 – 21 ngày mà heo không đòi đực thì xem như heo đã có chửa, thời gian chừa khoảng 114 ngày (3 tháng 3 tuần 3 ngày) ± 3 ngày.
Từ 01 – 90 ngày, cho ăn khoảng 2 – 2,5kg/con/ngày. Từ ngày 91 thì tăng lên 2,5 – 3.0kg/con/ngày. Trước khi sinh giảm xuống 3 – 2 – 1 kg/ngày. Khi heo đẻ thì không cho ăn.
Trong 2 tháng đầu chửa thì không nên di chuyển heo quá nhiều.
Heo nái đẻ và heo con theo mẹ
Trước khi heo đẻ thì vệ sinh chuồng trại và tắm rửa heo mẹ sạch sẽ. Khi heo nái đẻ thì bầu vú căng mọng, rặn từng cơn là heo sắp ra.
Heo con đẻ ra lau sạch nhớt, cắt rốn, bấm răng bở vào ô úm, sau đó cho bú “sữa đầu” càng sớm càng tốt, giữ ấm từ 31 – 33 độ C trong mấy ngày đầu bằng bóng đèn điện.
Trung bình heo đẻ 5 – 10 phút/con, nếu rặn nhiều mà không đẻ hoặc con nọ cách con kia > 1 giờ thì nên mời cán bộ thú y can thiệp.
Trong 1 – 3 ngày đầu, chích cho heo con liều sắt 200mg/con. Từ 7 – 10 ngày tập heo con ăn các loại thức ăn dễ tiêu. Khoảng 3 – 7 ngày tuổi thì thiến heo đực. Cai sữa cho heo con từ 28 – 35 ngày tuổi.
Heo mẹ đẻ xong thì thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1%, 2 lần/ngày, 1 lần từ 2 – 4 lít, nếu thấy sốt cao thì chích kháng sinh và mời cán bộ thú y can thiệp.
Cho heo nái ăn tăng dần, thức ăn phải tốt, máng uống luôn đầy nước để heo tiết sữa tốt.
Cai sữa heo
Giảm lần bú của heo con và tăng thức ăn để chuẩn bị sống tự lập, giảm thức ăn heo mẹ để giảm tiết sữa.
Ngày cai sữa cho heo mẹ nhịn ăn, sau đó ăn tăng dần để sớm động dục. Sau khi cai sữa từ 4 – 7 ngày, heo nái động dục lại là tốt.
Heo con sau khi cai sữa thì áp dụng đúng kỹ thuật nuôi heo để đảm bảo phát triển.
Kỹ thuật nuôi heo lấy thịt
Chế độ ăn
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi để chọn loại thức ăn phù hợp cho heo thịt:
- Thức ăn tự trộn
- Thức ăn trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương
- Thức ăn hỗn hợp
Khi trộn cần đảm bảo tỷ lệ tối đa của các loại nguyên liệu:
STT | Loại nguyên liệu | Heo choai | Heo thịt |
1 | Bắp xay | < 40% | < 50% |
2 | Cám gạo | < 30% | < 30% |
3 | Khoai mì xay | < 20% | < 40% |
4 | Đậu nành rang và bánh dầu đậu nành | < 15% | < 15% |
5 | Bánh dầu phộng | < 10% | < 10% |
6 | Bột cá mặn | < 5% | < 5% |
Tham khảo công thức trộn thức ăn giúp heo thịt nhanh lớn, mang lại năng suất cao:
STT | Thành phần % | Heo thịt 31-60 kg | Heo thịt 61-100 kg | Heo thịt 61-100 kg |
1 | Bắp | 10.00 | 10.00 | 10.00 |
2 | Cám gạo loại I | 20.00 | 15.00 | 20.00 |
3 | Cám mì | 9.00 | 18.50 | 20.00 |
4 | Khoai mì | 24.70 | 25.93 | 24.24 |
5 | Đậu nành | 10.00 | 7.00 | 5.00 |
6 | Bánh dầu phộng | 11.70 | 9.50 | 5.30 |
7 | Bột cá (45%CP) | 6.00 | 4.00 | 3.00 |
8 | Khô dầu dừa | 4.00 | 8.00 | 10.000 |
9 | Men bia | 2.00 | – | – |
10 | Amylase | 0.55 | – | – |
11 | Bột xương | 1.00 | 1.00 | 1.46 |
12 | Bột sò | 0.50 | 0.50 | 0.50 |
13 | Muối | 0.10 | 0.10 | 0.10 |
14 | Premix (Helmid) | 0.25 | 0.25 | 0.20 |
15 | L.Lysine HCL | 0.19 | 0.19 | 0.17 |
16 | D.L.Methionine | 0.01 | 0.03 | 0.03 |
Có 2 chế độ ăn mà bạn hộ chăn nuôi có thể áp dụng là:
- Cho ăn tự do: heo mau lớn nhưng tốn nhiều chi phí, heo có tỷ lệ mỡ cao.
- Cho ăn định lượng: tiết kiệm, tỷ lệ nạc cao nhưng kéo dài thời gian nuôi heo.
Chăm sóc
Đảm bảo môi trường nuôi heo luôn sạch sẽ, thoáng mát và giữ yên tĩnh, tránh những xáo trộn có thể ảnh hưởng đến heo.
Kiểm tra định kỳ để phát hiện kịp thời các trường hợp bất thường. Nên đánh dấu và theo dõi tình trạng thức ăn hàng ngày để dễ điều chỉnh kỹ thuật nuôi heo.
Kiểm tra chất lượng thức ăn và nước uống trước khi cung cấp cho heo.
Phòng ngừa dịch bệnh khi áp dụng kỹ thuật nuôi heo
Vệ sinh phòng bệnh
Đối với chuồng trại:
- Ngăn cách chuồng heo với các loài vật khác.
- Rửa và phun thuốc sát trùng trước khi thả heo vào ít nhất 3 – 7 ngày.
- Quét phân hàng ngày để đảm bảo sạch sẽ.
- Rửa chuồng, phun thuốc và diệt ruồi 1 lần/tháng.
Đối với thức ăn, nước uống:
- Thức ăn chất lượng, không bị thiu, mốc,…
- Định kỳ trộn kháng sinh vào thức ăn để ngừa bệnh cho heo.
Tiêm phòng
Heo nái
Trước khi phối giống thì chích đầy đủ các vaccine phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn,…
Định kỳ chích giả dại, viêm phổi.
Heo con
Chích vaccine phòng dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, chích lặp lại lần 2 sau 2 – 3 tuần..
Bắt buộc chích ngừa lở mồm long móng theo hướng dẫn và kỹ thuật nuôi heo của trạm thú y địa phương
Một số dịch bệnh ở heo
STT | Bệnh | Nguyên nhân | Triệu chứng | Cách điều trị |
1 | Viêm tử cung | Nhiễm trùng khi phối giống hoặc khi sinh | Heo mẹ sốt 40 – 41 độ C, bỏ ăn, mủ chảy ở âm hộ | Dùng 1 trong các loại kháng sinh sau: Ampicillin: 2g/ngày Penicillin: 3-4 triệu UI/2 lần/ngày Tylan: 7-8 mg/kg trọng lượng/ngày Septotrim 24% 1 cc/15 kg trọng lượng/ngày Có thể dùng thêm: Anagin: 2 ống 5cc; Vitamin C: 2 g/ngày; Dexamethasol: 5-10 mg/ngày. Thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1% 1 lần/ngày, mỗi lần từ 2-4 lít, sau 30 phút bơm vào tử cung Penicillin 2-3 triệu UI. |
2 | Viêm vú | Vú xây xát hoặc sữa quá nhiều, heo con bú không hết dẫn đến nhiễm trùng. | Heo mẹ sốt 40 – 41 độ C, vú sưng, đỏ, đau | Dùng thuốc kháng sinh tương tự bệnh viêm tử cung và kết hợp chườm lạnh vú viêm và vắt bỏ sữa thừa. Khi hồi phục thì chườm nóng bầu vú, chích Oxytocin: 10UI/ngày, 3-4 ngày, dùng chế phẩm có chứa Thyroxine, khoáng, vitamin bổ sung cho heo nái. |
3 | Mất sữa | Kế phát bệnh viêm tử cung, viêm vú | Vú căng nhưng không có sữa, teo dần | Dùng Thyroxin: 2 mg/ngày chích bắp hoặc tĩnh mạch 4-5 ngày. Chích Oxytocin: 10UI/lần/ngày trong 4-5 ngày Glucose 5%: 250 cc/ngày trong 3-4 ngày chích tĩnh mạch, phúc mạc hay dưới da. Gluconatcanxi 10%: 10 cc/ngày chích tĩnh mạch 3-4 ngày. |
Trên đây là tất cả thông tin bạn cần biết về kỹ thuật nuôi heo mang lại năng suất cao, phát triển tốt.
Trong quá trình nuôi heo, bạn có thể sử dụng bạt biogas còn gọi là hầm biogas nhằm tận dụng tối đa nguồn chất thải chăn nuôi. Hầm biogas sẽ chuyển đổi chất thải thành khí sinh học phục vụ mục đích sinh hoạt cũng như chăn nuôi hộ gia đình. Ngoài ra, chất thải sau khi xử lý xong có thể làm phân bón cho cây trồng.
Xem thêm: Xử lý nước thải là gì? Hệ thống Quy trình và Chi phí
Anh Trần Ngọc Uý là một Kỹ sư xây dựng tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, chủ tịch điều hành Công Ty TNHH Kỹ Thuật Bông Sen Vàng (thành lập năm 2014). Hiện nay là một chuyên gia về các kỹ thuật thi công màng chống thấm HDPE cho hồ Biogas, hồ xử lý nước thải, nuôi trồng thuỷ sản, công trình đảm bảo an toàn cho môi trường.